Một khẩu đội pháo binh Ukraine ở Donbass nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu khi máy bay không người lái của họ phát hiện trận địa lựu pháo Nga cách đó vài km. Những người lính vội vã bỏ cành cây ngụy trang trên khẩu pháo tự hành 122 mm bên rìa một cánh rừng nhỏ. Nòng pháo hướng lên trời trước khi bắn hai phát, khiến bụi và lá cây bay lên không trung.
Vài tuần trước, khi phát hiện mục tiêu như vậy, khẩu pháo này sẽ khai hỏa dồn dập. Nhưng giờ đây, thay vì trút mưa đạn xuống vị trí quân Nga, họ chỉ có thể tấn công các mục tiêu cụ thể, như trận địa pháo của đối phương.
“Chúng tôi sắp hết đạn”, Oleg, một người lính Ukraine, nói. “Chúng tôi không được cung cấp đạn đủ nhanh vì bắn quá thường xuyên”.
Mariana Bezugla, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo, Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói tình trạng thiếu đạn dược cho các loại vũ khí thời Liên Xô xảy ra trên khắp chiến trường miền đông, nơi lực lượng Ukraine đang nỗ lực bảo vệ Donbass, khu vực có hai tỉnh Lugansk và Donetsk.
“Nga có rất nhiều nguồn lực, rất nhiều đạn dược. Chúng tôi không thể sánh được với họ”, Bezugla nói.
Bà Bezugla cho hay Ukraine đã nhận được nhiều đạn cho các khẩu pháo mà NATO cung cấp, nhưng số vũ khí phương Tây chưa đủ để thay thế toàn bộ khí tài thời Liên Xô. “Chúng tôi có các loại đạn mới, nhưng vẫn thiếu pháo để sử dụng chúng”.
Quan chức Lầu Năm Góc nói họ đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm các loại vũ khí và đạn dược theo tiêu chuẩn Liên Xô, nhằm giúp quân đội Ukraine dễ sử dụng. Tuy nhiên, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ thừa nhận nguồn cung đã cạn và Ukraine giờ đây phải phụ thuộc vào các loại vũ khí mới của phương Tây.
Điều này đồng nghĩa lực lượng Ukraine sẽ cần thời gian để huấn luyện sử dụng các vũ khí mới. Giới chức Lầu Năm Góc đã cố gắng rút ngắn chương trình huấn luyện để tiết kiệm đáng kể thời gian cho quân đội Ukraine, nhưng rào cản về ngôn ngữ và khác biệt trong hệ đo lường giữa chuẩn NATO và chuẩn Liên Xô khiến quá trình này không được đẩy nhanh như kỳ vọng.
Ngày 10/6, Phó cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky chia sẻ rằng Ukraine đang thua trong các cuộc đấu pháo với Nga ở tiền tuyến vì thiếu đạn cho các mẫu pháo cũ. Ông nói Ukraine đã bắn 5.000-6.000 viên đạn pháo mỗi ngày và “gần như sử dụng hết cơ số đạn mà chúng tôi có”. Trong khi đó, Nga khai hỏa khoảng 60.000 quả đạn pháo và rocket mỗi ngày, theo một cố vấn cấp cao của quân đội Ukraine.
Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Mỹ, nói nguồn cung đạn dược rất quan trọng, có thể định đoạt kết quả trận chiến ở miền đông Ukraine.
“Cuộc chiến này nghiêng về tiêu hao bằng pháo binh, hơn là các trận đánh trực tiếp, đồng nghĩa ai nhiều đạn hơn sẽ có cơ hội thắng cao hơn”, ông nói.
Việc Ukraine cạn nguồn đạn pháo không phải là bí mật, khi giới chức Ukraine đã nêu ra vấn đề này từ nhiều tháng trước. Trên tiền tuyến, các chỉ huy ngày càng lo lắng khi kho đạn giảm dần. Các binh sĩ cho biết yêu cầu yểm trợ hỏa lực pháo binh không được đáp ứng vì thiếu đạn.
Vadym Mischuk, một người lính Ukraine 32 tuổi vừa được điều tới chiến tuyến gần thành phố Bakhmut, cho biết pháo binh Nga bắn nhiều tới mức “chúng tôi thậm chí không nghe được tiếng của chính mình”. Một binh sĩ giấu tên ước tính cứ một quả đạn pháo của Ukraine được bắn ra sẽ bị Nga đáp trả bằng 10 quả.
Việc quân đội Ukraine công khai tình trạng thiếu đạn có lẽ nhằm tăng thêm cảm giác cấp bách để kêu gọi phương Tây tăng hỗ trợ vũ khí hạng nặng, theo giới quan sát.
“Hồi đầu tháng 3, chúng tôi đã hiểu rằng trong cuộc chiến khốc liệt với Nga, nguồn lực của chúng tôi đã cạn kiệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói tuần này. “Chỉ dựa vào vũ khí Liên Xô chắc chắn là chiến lược thất bại”.
Ngay trước khi Nga bắt đầu chiến dịch, các kho đạn của Ukraine đã thường xuyên bị cháy nổ. Từ năm 2015 đến 2019, 6 kho đạn của Ukraine đã nổ tung, đốt cháy khoảng 210.000 tấn đạn, gấp ba lần lượng đạn mà quân đội Ukraine sử dụng trong thời gian chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông.
Sau khi Nga mở chiến dịch, các quốc gia NATO đã tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, nhưng việc chuyển giao không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw cũ và các nước NATO sử dụng cỡ đạn khác nhau, điều này có nghĩa là phần lớn kho vũ khí của Ukraine không thể sử dụng đạn phương Tây.